Chủ Nhật, 17 tháng 6, 2018

“Tiệc hoa” trên phố núi

Rực rỡ sắc màu tại Festival hoa Đà Lạt

Festival hoa Đà Lạt là sự kiện văn hóa, du lịch mang tầm quốc gia và gây được tiếng vang trên trường quốc tế. Đây là điểm nhấn trong tiến trình xây dựng thương hiệu “Hoa Đà Lạt” và thành phố du lịch 122 năm tuổi. Hai năm một lần, du khách gần xa lại hẹn gặp nhau ở phố núi dự “tiệc hoa”.
Cung bậc phố hoa

Đà Lạt được mệnh danh là thành phố ngàn hoa, bởi đến Đà Lạt vào thời khắc nào, du khách đều được chiêm ngưỡng hoa: hoa trên phố, hoa bên đồi, hoa trong nhà… và hoa gùi trên lưng sơn nữ. Phố núi ngập tràn sắc hoa trong mùa Festival hoa Đà Lạt lần thứ VI-2015, với chủ đề “Đà Lạt - Muôn màu sắc hoa”, diễn ra từ ngày 29-12-2015 đến 2-1-2016.

Trên “thành phố Festival hoa Việt Nam”, mùa lễ hội lần này có chín chương trình chính, đáng chú ý có: không gian hoa quanh hồ Xuân Hương, đường hoa và hội họa, triển lãm hoa, cây cảnh, phiên chợ hoa, các-na-van hoa và đêm tôn vinh người trồng hoa Đà Lạt… Lễ hội có sự đồng hành của 19 chương trình hưởng ứng, tạo thêm sân chơi cho người dân và du khách, như không gian hoa tại các khu dân cư, hội thi thời trang hoa, ngày cuối tuần hoa, chương trình độc đáo “hội thiếu nữ rước phấn về cho hoa”.

Trong không gian sôi động của lễ hội, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Phan Văn Đa cho biết: “Festival hoa Đà Lạt lần này có nhiều cái mới, từ công tác tổ chức đến nội dung các chương trình; công tác xã hội hóa được đẩy mạnh, trong 28 sự kiện, chỉ có ba sự kiện được thực hiện từ ngân sách nhà nước, gồm lễ khai mạc, đêm tôn vinh người trồng hoa và cuộc thi sáng tác bài hát về Đà Lạt”.

Đà Lạt mùa lễ hội, hoa ngập tràn phố phường, mang đến cho người dân và du khách những cung bậc cảm xúc của bữa “tiệc hoa” quý phái mà gần gũi. Một điểm nhấn lãng mạn giữa trung tâm TP Đà Lạt, lần đầu tiên, bờ tường dọc con dốc Lê Đại Hành trở thành cung đường hội họa, quyện hòa với nghệ thuật sắp đặt hoa, những ô cửa hoa e ấp, khiến bao lữ khách quyến luyến. Tranh thủ ghi dấu kỷ niệm trên phố hoa Đà Lạt, chị Hoàng Bích Ngọc, du khách đến từ Hà Nội thốt lên: “Đà Lạt thật ấn tượng! Hoa tuyệt đẹp và người Đà Lạt rất thân thiện, mến khách”.

Quanh trái tim phố núi - hồ Xuân Hương, ngập tràn hoa. Đây khu vườn hoa hồng, trạng nguyên, păng-xê quyến rũ; kia vườn cổ tích hoàng lan, cát tường, cánh bướm. 28 tiểu cảnh hoa được các thành viên của Hiệp hội hoa Đà Lạt thiết kế, trưng bày. “Đó là sự kết hợp hài hòa của hoa, lá, cỏ cây Đà Lạt. Mỗi tiểu cảnh là một ý tưởng nghệ thuật, không trùng lắp, như những nốt nhạc soi bóng mặt hồ” - Phó Chủ tịch Hiệp hội hoa Đà Lạt Phan Thanh Sang cho biết.

Phố hoa, đường hoa… và lòng người nở hoa trong mùa hội, trong cái lập đông se lạnh ngọt lành của phố núi. Đêm Đà Lạt ấm hơn trong phố trà, cà-phê nồng nàn. Nhấp một ngụm rượu vang Đà Lạt, thấy lòng nhẹ tênh giữa đêm hội “Bồng bềnh xứ đào nguyên”, mở đầu chương trình khai hội Festival hoa Đà Lạt năm 2015. Đà Lạt bảng lảng sương đêm. Mặt hồ Xuân Hương lung linh, thành phố kiều diễm như tiên nữ bước ra từ cổ tích, rừng thông vi vu reo khúc nhạc du dương, quyện hương ngàn năm nơi mảnh đất thấm đượm tình người… Tất cả như lạc vào thiên đường hoa phố núi.

Khách du lịch tham quan Festival hoa Đà Lạt. Ảnh: HẢI AN

Ngược phố

Nắng dịu nhẹ. Tạm xa nhịp điệu phố phường, du khách ùa về các làng hoa truyền thống ven đô để trải nghiệm cùng hoa, tìm hiểu quy trình sản xuất hoa công nghệ cao Đà Lạt; để nghe lão nông Nguyễn Văn Thứ ở làng hoa Vạn Thành kể chuyện nửa thế kỷ gắn bó với hoa hồng; ông Bùi Văn Hội ở làng hoa Thái Phiên kể về nghiệp hoa trên phố núi. Đến làng hoa Hà Đông để ngược miền ký ức về nơi khai mở nghề trồng hoa Đà Lạt…

Trong câu chuyện với nhà “Đà Lạt học” Nguyễn Hữu Tranh, ông cho biết, khoảng 5 năm - sau khi bác sĩ A.Yéc-xanh tìm ra Đà Lạt, người Pháp đã thành lập ở xứ cao nguyên này một trạm nông nghiệp khoảng 16 ha để trồng thử nghiệm nhiều loại rau, cây ăn trái, cây công nghiệp và đặc biệt là hoa. Đến năm 1901, kỹ sư A.D’Ăng-đrê đã tóm lược trong một bản báo cáo, các giống hoa Pháp và vùng ôn đới trồng thử nghiệm tại Đà Lạt đều phát triển tốt, đẹp rực rỡ mà ít tốn công chăm sóc. Kết quả này đã thu hút sự quan tâm của giới chức và các nhà nông học thời bấy giờ.

Sau đó, vào những năm cuối thập niên 30 thế kỷ trước, những cư dân đầu tiên từ các làng hoa Quảng Bá, Nghi Tàm, Nhật Tân, Ngọc Hà… vượt hàng nghìn cây số vào cao nguyên hoang sơ lập nên ấp Hà Đông (phường 8, TP Đà Lạt ngày nay). Trong hành trình đến với miền đất mới, họ không chỉ mang theo hạt giống rau, hoa, mà còn những kinh nghiệm nghề nông của quê hương để lập nên làng hoa truyền thống đầu tiên tại Đà Lạt.

Trải qua gần 80 năm, Đà Lạt trở thành một vùng nông nghiệp công nghệ cao nổi tiếng của cả nước và quốc tế. Thương hiệu “Hoa Đà Lạt” đã tạo được vị thế không chỉ ở góc độ cảnh quan, mà là sản phẩm kinh tế hàng hóa có giá trị ngày càng cao trên thị trường. “Nghề trồng hoa và kinh doanh hoa hiện có lợi nhuận cao nhất trong sản xuất nông nghiệp tại Đà Lạt-Lâm Đồng. Thông qua festival hoa, người dân cũng được hưởng lợi, khi có khoảng 500 nghìn lượt du khách đến với Đà Lạt” - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Phan Văn Đa cho biết.

Có thể nói, Festival hoa Đà Lạt đã trở thành ngày hội của người dân Đà Lạt - Lâm Đồng, của du khách trong, ngoài nước và bè bạn quốc tế. Đây là dịp tôn vinh người trồng hoa, cộng đồng doanh nghiệp đang đầu tư ngành hoa tại Lâm Đồng, và cơ hội để lan tỏa thương hiệu “Hoa Đà Lạt” đến những thị trường rộng lớn trên thế giới.

MAI VĂN BẢO
(Theo nhandan.org.vn)

Không có nhận xét nào: