Thứ Hai, 22 tháng 2, 2016

Nét riêng Đà Lạt

Đà Lạt không chỉ là một đô thị mà còn là một tâm tưởng, có khi là một hoài niệm, có khi là một cảm giác sống tinh khôi, tươi mát mà thâm trầm. Sống ở đây là một trải nghiệm khác thường. Và, Đà Lạt đang được “chăm chút” để gìn giữ bản sắc, phát triển hiện đại.
 
Trên hồ Xuân Hương – Đà Lạt
Trên hồ Xuân Hương - Đà Lạt

1. Không gian cảm khoái. Hồi niệm thời sơ khai của TP Đà Lạt là trở về với không gian mênh mang lạc giữa rừng già, với vài bộ tộc thiểu số miền cao sinh sống. Nhà bác học người Pháp (gốc Thụy Sỹ) Alexandre Yersin trong chuyến thám hiểm lần thứ hai vào ngày 21-6-1893 đã ghi lại cảm xúc về những người dân bản địa: “Vài làng người Lạch sống tập trung dưới chân núi Lang Biang. Họ làm ruộng lúa rất tốt và rất hiếu khách…”. Đó là những xúc cảm tốt lành để A.Yersin hình thành ý tưởng khởi lập đô thị giữa miền sơn cước - Đà Lạt. 
 
Nửa sau thế kỷ 19, người Pháp đã đến đây và phác họa tương lai xứ sở này sẽ trở thành “thủ đô mùa hè” của Đông Dương. Phó Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam Nguyễn Văn Tất cho rằng, Đà Lạt ngay từ khi hình thành đã có “công năng gốc” là thành phố nghỉ dưỡng. Đà Lạt mộng mơ, Đà Lạt trí tuệ và thanh lịch… là thương hiệu của thành phố bản sắc này. 
 
Khí hậu mát mẻ quanh năm là một đặc thù “vô hạn” hiếm có trên thế giới, giúp Đà Lạt duy trì được “lợi thế so sánh” trong tiến trình phát triển, gắn với dịch vụ du lịch, nghỉ dưỡng ở cấp độ quốc tế. Mát lạnh, không khí tinh khiết và không gian e lệ… Đà Lạt được ví là chốn địa đàng. “Những thứ ấy là tài nguyên hiếm hoi mà Đà Lạt sở hữu. Chúng không thể thiếu nhau. Hợp làm một, chúng tạo nên độ tiện nghi, sự cảm khoái thể xác, mà không một hệ thống công nghệ cao nào có thể tạo nên”. - Kiến trúc sư Hoàng Đạo Kính bộc bạch.
 
Những người Pháp đến Đà Lạt vào đầu thế kỷ hai mươi đã tặng cho thành phố này một câu châm ngôn có ý nghĩa “cho người này niềm vui, người kia sự mát lành”. Đến Đà Lạt, có lẽ mọi người đều quyện hòa theo cách sống nơi đây. Từ nhịp bước chân của người dạo chơi, từ cách nói năng, cử chỉ… đến “kiểu” ngồi cà phê đều diễn ra chầm chậm. Chậm nhưng không trễ nải, đó là cái riêng của người Đà Lạt.
 
2. Không gian văn hóa Âu - Việt. Đà Lạt từ một vùng hoang sơ, nhưng với những đặc điểm riêng nổi bật và lợi thế so sánh khác biệt về khí hậu, thổ nhưỡng, điều kiện tự nhiên… được người Pháp đầu tư nghiên cứu quy hoạch cảnh quan, thiết kế kiến trúc bài bản từ giai đoạn đầu phát triển. “Nhắc đến không gian văn hóa của Đà Lạt thì không thể bỏ qua không gian quy hoạch kiến trúc mang đậm ảnh hưởng châu Âu, nhất là Pháp bàng bạc khắp thành phố”. - TS. KTS Ngô Viết Nam Sơn khẳng định.
 
Đà Lạt một góc nhìn
Đà Lạt một góc nhìn

Gặp Đại sứ Pháp Jean-Noel Poirier bên lề Tuần lễ Pháp tại Đà Lạt, ông thổ lộ: Cách đây khoảng mười năm, lần đầu tôi đến Đà Lạt và mê thành phố này từ đó. Đà Lạt hấp dẫn tôi vì khí hậu, cảnh quan, nhiều công trình kiến trúc tương tự ở Pháp. 
 
Song, Đà Lạt còn có những không gian Việt lịch sử. Đó là nơi mà những người Việt Nam khắp cả nước tìm đến quần tụ, sinh sống. Họ đã tạo lập sự nghiệp ở hai khu vực chính trên thành phố cao nguyên là khu ấp Ánh Sáng, các phố buôn bán ở Khu Hòa Bình tỏa ra tứ phía, và dấu xưa còn đó. Kiến trúc sư tài danh Ngô Viết Thụ từng nói, ở Đà Lạt, nhà không thấy trọn, núi không thấy trọn, cảnh luôn ảo huyền. Thiên nhiên ấy phảng phất như nét vẽ thủy mặc, nét kiêu sa của nghệ thuật Á Đông… 
 
“Di sản kiến trúc” Âu - Việt phối cảnh giữa thiên nhiên Đà Lạt mang dáng nét kiêu sa quyến rũ. Đó là nét “chấm phá” trong tầm mắt của nhiều người, khi thư thái ngắm nhìn Đà Lạt và đều có cách “đắm đuối” riêng. Kiến trúc sư Hoàng Đạo Kính nhìn nhận tinh tế rằng, rừng thông và kiến trúc những căn biệt thự cổ xinh đẹp, nhưng không bao giờ lạc thời đã sinh ra nỗi buồn “đặc sản”, là “linh hồn” của Đà Lạt. Hai thực thể vật chất ấy không phải là “giá trị gia tăng” mà chính là “giá trị cơ bản” của xứ sở này. Đó là nỗi buồn sang trọng được cấu thành từ “cuộc hôn phối” giữa thiên nhiên và sự kiến tạo của con người. 
 
“Thành phố trong rừng, rừng trong thành phố”. Công thức này nhiều lần  được nhắc tới một cách cẩn trọng trong quy hoạch phát triển Đà Lạt, với những “mảng xanh”, những cung đường nhàn du, lười biếng thấp thoáng bên sườn đồi…
 
Khách quốc tế đến với thành phố hoa – Đà Lạt
Khách quốc tế đến với thành phố hoa - Đà Lạt

3. Hoa và người xứ hoa. Người ta gọi Đà Lạt là thành phố ngàn hoa, bởi đến Đà Lạt vào thời khắc nào bạn sẽ được chiêm ngưỡng hoa và hoa: Hoa trong phố, hoa trên đồi, hoa trong nhà… và hoa trên lưng gùi sơn nữ. 
 
Từ những năm 60 của thế kỷ trước, hoa Đà Lạt từ các làng hoa lâu đời bước ra thị trường và trở thành thương hiệu nổi tiếng trong cả nước. Đầu tiên, phải kể đến là làng hoa Hà Đông được thành lập vào năm 1938, khi người Pháp cho di trú người dân ở các làng hoa Nghi Tàm, Quảng Bá (ngoại thành Hà Nội) vào Đà Lạt lập ấp. Trải qua 74 năm phát triển, Làng hoa Hà Đông đã trở thành một vùng chuyên canh hoa nổi tiếng. Đây là Làng hoa đầu tiên được công nhận là Làng nghề truyền thống của thành phố Đà Lạt. Sau Hà Đông là những làng nghề hoa đã trở thành những cái tên quen thuộc với du khách như: Làng hoa Thái Phiên, làng hoa Vạn Thành… 
 
Đến năm 1994, những nhà nông đầu tiên của vùng đất này đã tiếp cận với kiểu trồng hoa công nghệ cao, từng bước chinh phục thị trường hoa cao cấp trong nước và vươn ra thế giới. Canh tác hoa, thưởng lãm hoa… đã trở thành yếu tố văn hóa hình thành rất tự nhiên ở Đà Lạt. Hoa Đà Lạt đã trở thành “biểu tượng” của xứ sở, đã nên thơ, vào nhạc, vào tranh…
 
Khí hậu, hoa… quyện hòa nét duyên của “đôi má hồng đào” của thiếu nữ đã tự nhiên níu chân nhiều người về với Đà Lạt. 
 
Từ trước tới nay, khi nói về Đà Lạt, nhiều người thường nói về rừng, hoa, biệt thự và khí hậu… Nhưng, ít ai để ý đến “cái gạch nối” giữa những giá trị ấy và con người Đà Lạt. Bởi, xứ này là nơi hội tụ của nhiều người từ tứ xứ miền quê, là kết quả tổng hợp các tinh hoa nhiều vùng, miền để hình thành cho mình một bản sắc. 
 
Từ thuở xưa, nơi đây đã là quê hương lâu đời của người Lạch. Người Pháp trong ý đồ tìm kiếm cho mình nơi nghỉ dưỡng, họ đã đến Đà Lạt. Trong một thời gian dài họ kiến tạo thành phố này... và dấu xưa còn đó. Người Kinh đến Đà Lạt định cư đồng thời với người Pháp. Họ đóng góp sức lực, ý chí lớn lao trong việc xây dựng thành phố và gắn bó lâu dài với vùng đất họ chọn làm quê hương.
 
Chắt lọc, tinh chế, tổng hòa đã “đúc” thành một “mẫu người Đà Lạt” có dáng dấp Huế nhưng không phải Huế, Hà thành mà không phải Hà thành, Quảng mà không hẳn Quảng Nam hay Quảng Ngãi… Bản sắc con người Đà Lạt rất dễ cảm nhận và phân biệt, nhưng gọi tên nó là gì vẫn còn là chuyện rất tế nhị.
 
Du ngoạn thành phố hoa – Đà Lạt
Du ngoạn thành phố hoa - Đà Lạt

4. Thành phố đáng sống. Đà Lạt đã và đang được số đông nhìn nhận là thành phố du lịch nổi tiếng của Việt Nam và quốc tế. Trong tương lai, Đà Lạt sẽ là “thành phố vườn”, theo ý tưởng của chuyên gia kiến trúc người Pháp và “thành phố trong rừng, rừng trong thành phố” theo gợi ý của lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng cho các chuyên gia quy hoạch đô thị, cùng những ý tưởng khác nữa… trong đồ án “Quy hoạch chung TP Đà Lạt đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050”, đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
 
Đà Lạt được giới kiến trúc sư khẳng định là một loại đô thị rất đặc biệt trong lịch sử đô thị, loại hình “đô thị phi đô thị”. Đó là thành phố đáng sống khi Đà Lạt được “chăm chút” nhiều hơn, và nhận được những “cách nhìn tinh tế” với kiểu đô thị đặc biệt này.
 
MAI VĂN BẢO
(Theo baolamdong.vn)

Không có nhận xét nào: