Chủ Nhật, 17 tháng 6, 2018

Khát vọng mùa xuân

Du khách đến với thành phố hoa Đà Lạt.

Cách đây gần một thế kỷ, những người Việt đầu tiên đã đặt chân đến phía đông nam cao nguyên LangBiang để lập nghiệp, họ mang theo khát vọng mùa xuân ký thác vào tên gọi Xuân Trường. Và khát vọng ấy được bao thế hệ trên mảnh đất anh hùng gìn giữ, kiến tạo, để sức sống mùa xuân mãi ùa về.


Lần nào cũng thế, có dịp về với Xuân Trường, xã Anh hùng ven đô Đà Lạt, tôi như lạc giữa hai mạch của thời gian, với những dấu ấn lịch sử còn in trên những cung đường làng, những ký ức của thời gian khó và nhịp điệu nông thôn mới hiện hữu trên những nếp nhà. Ngang qua những đồi cà-phê mùa trĩu quả, những vườn rau, hoa công nghệ cao, những ngôi biệt thự e ấp bên những hàng cau trong nắng mới, lại gặp nhà ga xe lửa, dấu tích thời Pháp thuộc; khu nhà văn hóa nhuốm màu thời gian những năm đầu đổi mới. Và điểm dừng chân mặc nhiên là đồi chè Cầu Đất, với những thảm xanh điệp trùng. Nơi ấy, còn chiếc cổng sắt được dựng lên từ năm 1927, ghi bằng song ngữ Việt - Pháp: “Công ty Trà Việt Nam - Sở trà Cầu Đất”. Xen giữa các thôn làng là những địa danh mang dấu ấn lịch sử: Đồi đánh Mỹ, Suối ca nhạc, Trạm giao liên T372… gợi nhắc về thời hào hùng trên mảnh đất Xuân Trường, một trong những “địa chỉ đỏ” của phong trào cách mạng trên cao nguyên Lâm Viên.

Trên nông trường chè Cầu Đất, xã Xuân Trường, TP Đà Lạt


Chiều yên ả. Ngọn gió xuân đã lướt thướt qua miền đất ba-dan Lâm Đồng, quyện hương chè Cầu Đất rải theo triền núi. Những chuyến xe dừng lại giữa điệp trùng thảm xanh của những nương chè phủ khắp núi đồi, mênh mang đến bất tận. Gió thơm. Đất trời thơm. Hương chè ủ ấp, quấn quyện trong từng chân tóc, nếp áo, vương vấn mãi… Bên bát nước chè xanh ngạt ngào, Mẹ Việt Nam Anh hùng Nguyễn Thị Nhứt (88 tuổi, thôn Xuân Sơn, xã Xuân Trường), kể cho tôi về những gốc chè đầu tiên được ông chủ người Pháp gieo mầm vào những thập niên đầu thế kỷ trước, những phong trào đấu tranh cách mạng của quân và dân Xuân Trường. Năm 1927, Sở trà Cầu Đất chính thức thành lập, với diện tích 900 ha. Hàng nghìn phu trà, chủ yếu ở miền trung được tuyển mộ về đây, hầu hết họ là những nông dân cùng khổ, hoặc những người yêu nước bị áp bức buộc phải ly hương. “Cùng năm đó, những người Việt đầu tiên đã đứng ra xin chính quyền Pháp, chính phủ Nam triều thành lập làng, với lý do, người Việt Nam có tục lệ thờ cúng ông bà, tổ tiên, phải có đình, có làng. Năm 1929, làng Trường Xuân chính thức thành lập với diện tích khoảng 3,5 ha. Đây chính là tiền thân của xã Xuân Trường hôm nay”, mẹ Nhứt chia sẻ.
Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, Xuân Trường là vùng đất có phong trào cách mạng phát triển mạnh. Ngày ấy, cả xã chỉ khoảng bốn nghìn người nhưng gần một nửa đã thoát ly đi kháng chiến, người ở lại tham gia nuôi giấu cán bộ, tiếp tế lương thực cho bộ đội, bất chấp mọi hiểm nguy, sự khủng bố tàn bạo của kẻ thù. Đến ngày giải phóng 1-4-1975, đã có 146 người con của vùng đất cách mạng Xuân Trường ngã vào lòng đất mẹ, mãi mãi không trở về. Với thành tích xuất sắc trong kháng chiến bảo vệ Tổ quốc, xã Xuân Trường được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân.
Hôm nay, những người con trên mảnh đất Xuân Trường đang viết tiếp trang sử hào hùng bằng những khát vọng xanh. Dấu tích bom đạn một thời đã nhường chỗ cho những thảm xanh của đồi cà-phê, nương chè bát ngát; những ngôi nhà cao tầng san sát, những ngôi biệt thự e lệ bên sườn đồi và những vườn rau, hoa công nghệ cao chạy dọc cung đường nhựa tỏa về các thôn…
Trong khu nhà kính hiện đại trồng rau công nghệ cao, cử nhân trẻ Nguyễn Song Vũ đang tỷ mẩn kiểm tra nhiệt độ, độ ẩm của khu ớt ngọt đang thời kỳ phát triển, phục vụ mùa Tết. Anh mở lời: “Xưa người dân Xuân Trường làm cách mạng để bảo vệ từng tấc đất của Tổ quốc, giờ thì làm cách mạng khoa học - công nghệ trong sản xuất, phát triển kinh tế”. Với tấm bằng cử nhân Luật nhưng Vũ đam mê làm nông nghiệp công nghệ cao, bởi khí hậu, thổ nhưỡng vùng đất này rất lý tưởng để phát triển nền nông nghiệp hợp xu thế thời đại. Ngoài một ha nhà kính trồng rau, hai ha cà-phê thương hiệu arabica Cầu Đất nổi tiếng thế giới của gia đình, đều được Vũ học tập, nghiên cứu và ứng dụng quy trình sản xuất sạch từ khâu canh tác đến chế biến, với ước vọng cùng bà con Xuân Trường, đưa thương hiệu cà-phê arabica Cầu Đất du nhập bản đồ cà-phê thế giới. “Thế hệ trẻ phải có khát vọng xanh, rồi niềm đam mê sẽ kết trái”, Vũ bộc bạch.
Chiều nghiêng nắng. Nắng chia đôi sườn đồi trên cung đường nhựa chạy dọc về thôn Xuân Sơn, cái nôi cách mạng của xã Xuân Trường, tôi như lạc giữa hai phía của thời gian, một bên là ký ức của thời hào hùng, bên kia là nhịp sống đang đổi mới từng ngày. Dừng lại ở khu nhà kính trồng hoa đồng tiền, cát tường đang chúm chím nụ, kỹ sư trẻ Trương Công Trị niềm nở giới thiệu về mô hình mà anh ấp ủ khi còn trên ghế giảng đường. Cách đây hơn bốn năm, Trị quyết về quê lập nghiệp, dù có mức lương ổn định tại một công ty ở TP Hồ Chí Minh. Giờ đây, khi màn sương còn giăng mắc mỗi sáng, anh đã bước ra vườn kiểm tra, ghi chép nhật ký sinh trưởng của hoa… Với hơn một ha chè ô long, hai ha cà-phê và gần năm sào nhà kính trồng hoa, mỗi năm gia đình Trị thu nhập khoảng một tỷ đồng. Trị tâm sự: “Thế hệ trước đã hy sinh xương máu để bảo vệ độc lập dân tộc, giờ mình phải quyết tâm để khiến đất nở hoa”.
Xuân Trường là một trong bốn xã đầu tiên của tỉnh Lâm Đồng được công nhận xã nông thôn mới năm 2014. Miền đất hoang sơ thuở nào, giờ đây không khác phố thị là mấy. Thành quả đó dựa trên truyền thống cách mạng và sự phát huy truyền thống ấy trong phát triển kinh tế - xã hội, văn hóa của vùng đất anh hùng. Chủ tịch UBND xã Xuân Trường Trần Như Dũng cho biết, cà-phê arabica, chè Cầu Đất là cây thế mạnh của địa phương, đã trở thành những thương hiệu nổi tiếng trong nước và thế giới; cùng với quá trình chuyển đổi sản xuất nông nghiệp công nghệ cao đang diễn ra mạnh mẽ, đã giúp nhiều gia đình có cuộc sống sung túc, thu nhập tiền tỷ mỗi năm. Năm 2016, thu nhập bình quân đầu người trong xã đạt 47 triệu đồng, tỷ lệ hộ nghèo còn 0,6%. Tất cả các đường làng, ngõ xóm được trải nhựa và bê-tông hóa. Sự đổi thay đã hiện hữu trong từng câu nói của những người già nơi đây: “Xưa, những con đường xuống thôn đều lầy lội, cơ sở hạ tầng chưa có gì, giờ Xuân Trường đã khác, mùa xuân đã ở lại với mảnh đất này”, cụ Lê Văn Thôi, thôn Trường An ví von.
Về Xuân Trường hôm nay, đi giữa bát ngát hương chè Cầu Đất, nơi khởi phát ngành trà Lâm Đồng, những vườn cà-phê arabica mùa trĩu quả; những vườn rau, hoa công nghệ cao; thấp thoáng những ngôi biệt thự yên bình bên sườn đồi… như bức tranh quê hữu tình. Nơi đó, những người con của miền đất anh hùng đang ra sức xây dựng quê hương, với khát vọng mùa xuân mãi trường tồn.
MAI VĂN BẢO
(Theo nhandan.org.vn)

Không có nhận xét nào: