Thứ Tư, 27 tháng 3, 2013

Thành phố của những cuộc tình


Đà Lạt được mệnh danh là Thành phố tình yêu không phải chỉ thuần túy dựa vào tiết xuân quanh năm ôm ấp vùng cao nguyên bốn mùa hoa này, mà có lẽ chính những câu chuyện tình đẫm lệ đã trở thành huyền thoại của mỗi con thác, hồ xanh, rừng thông và những ngọn núi gợi lên những vẻ đẹp kỳ thú của mùa xuân. 

Ban mai Bidoup. Ảnh: Võ Trang



Khi tôi gặp nhà điêu khắc Quang Vinh ở chân núi Lang Biang, trong cửa hàng khắc gỗ, mới hay rằng những sáng tác của anh trên gỗ đều có những cảm xúc mơ mộng qua mọi huyền thoại của cuộc tình. Và khi tôi cầm một tác phẩm lũa Cắp sừng hươu thì bỗng tự nhiên những ngón tay run rẩy ngỡ như ánh mắt buồn của chú hươu non xuất hiện. Thế rồi tôi nghe anh kể câu chuyện kỳ bí nhất trên ngọn núi Lang Biang cao 2.163m, nơi đây chính là địa chỉ ban đầu mà nhà khoa học lớn Yersin đã chọn để lập đất Đà Lạt.

Giọng anh trầm buồn nói về chàng K.Lang và nàng H.Biang yêu nhau trong một cơn hoạn nạn. Nhưng buồn thay nàng H'Biang kiều diễm con của vị tù trưởng bộ tộc Srê không thể lấy được người dũng sỹ K'Lang thuộc bộ tộc Lạch, bởi phong tục tập quán của những bộ tộc ở đây không cho phép kết duyên.

Vậy mà, để vượt qua tất cả quy ước nghiệt ngã ấy, vào một đêm mưa gió, chàng K'Lang và nàng H'Biang đã lên núi ngồi cầu nguyện cho tình yêu của mình dược thoát trần. Trời đất chứng giám tình yêu bất tử của hai người. Trong cái đêm huyền ảo của mây dông, sấm sét, hai tâm hồn lãng mạn ấy đã lìa khỏi xác và nhập với nhau trong giấc mơ đầy hoa. Từ đó những vườn hoa trên mảnh đất cao nguyên này luôn luôn bừng nở tỏa ngát hương tình yêu đắm say.

Cái chết của họ đã làm thức tỉnh lương tâm và trách nhiệm cộng đồng giữa các bộ tộc, và lão tù trưởng Srê đã kêu gọi các bộ tộc hợp thành dân tộc K'hô phát triển cho đến ngày nay.

Giờ đây trên ngọn núi mang tên hai người Lang Biang có dựng tượng để ghi nhớ chuyện tình làm nên mùa xuân cho sự đoàn kết các dân tộc này. Họa sỹ Quang Vinh lặng đi trong cảm xúc mơ mộng của mình qua bức khắc họa tình yêu bằng chất liệu gỗ thông thơm phức. Anh còn kể  thêm rằng , có một  đàn voi rừng khi nghe tin Lang và Biang đã chết vì tình yêu nên tất cả đau đớn gào thét mấy ngày đêm liền rồi kiệt sức chết và hóa đá tạo nên Thác Voi ngày nay. Đây cũng là kết cục vĩ thanh đẫm lệ cho những ngọn thác tuôn trào.

Sau này người ta còn gọi núi Lang-Biang là Lâm Viên hay núi Bà. Nhưng còn chuyện tình chung thủy của cặp trai tài gái sắc kia đã trở thành câu chuyện cổ tích đầy nhân ái ấy đã làm nên một bộ tộc K'hô và ghi danh cho Đà Lạt mãi mãi là thành phố mùa xuân.
Đồi cù Đà Lạt
Ấy thế rồi, lại vào một chiều tà tháng mười, sương bắt đầu phủ xuống, ông Tú, người dành trọn 30 năm lưu lại ở đây, đã dẫn tôi đến một câu chuyện tình khác. Ông là người vùng xuôi Thái Bình vào TP Hồ Chí Minh sinh sống, khi có dịp lên Đà Lạt thấy thành phố này như có ma lực, cứ níu chân mình lại. Rồi có một cuộc tình. Ông đã ở lại như trời muốn vậy. Ông kể chuyện tình Đam Ri cho tôi nghe. 
Ngay cái tên Đam Ri đã mang cái nghĩa Đợi chờ theo con chữ của dân tộc K'hô. Chuyện rằng thác Đam xưa chỉ là con suối nhỏ, nơi mà cô H'ri duyên dáng thường xuyên đến tắm. Một hôm có tay thợ săn trẻ K'đam chợt qua và tình cờ nhìn thấy dáng đẹp ngọc ngà đầy quyến rũ của H'ri dưới suối. Chàng mê mẩn rồi hai người trở thành vợ chồng.

Nhưng rồi, một ngày nọ, chàng đi săn lâu quá không về. Chờ mãi vẫn biệt tăm, H'ri khóc thương nhớ ngày đêm. Nước mắt của nàng đã tuôn trào lai láng tạo nên dòng thác lớn .

Mãi sau này, K'đam chợt trở về sau bao ngày trắc trở gian nan, nhưng H'ri không còn nữa. Chàng đã lên núi cao nhảy xuống đáy thác để giữ trọn mối tình chung thủy của mình. Thân xác chàng đã biến thành một con sư tử đá ở dưới chân thác.

Ông Tú kể đến đây, giọng nghẹn ngào khi dẫn tôi đến trước dòng thác Đam Ri rồi cứ đứng lặng đi làm tôi bỗng thấy bồi hồi khi đứng ở trên độ cao gần 100m nhìn xuống mới nhận ra đúng là có con sư tử đá đang nằm khóc phục dưới dòng thác trắng xóa.

Bất chợt trỗi dậy trong ký ức khi tôi hỏi ông về Làng Con Gà của dân tộc K’hô. Vì sao lại có cái tên đó. Ông Tú gật gù nói:

- Lại một bi kịch oan nghiệt của một người đẹp

Rồi ông kể rõ rệt như cô gái đã chết vì tình yêu như thế nào. Vì muốn lấy được người mình yêu, cô đã chấp nhận băng rừng, lội suối để tìm cho được lễ vật thách cưới của họ nhà trai: một con gà chín cựa. Ngày đêm cô vượt mọi gian nguy nơi rừng xanh nước độc, vượt qua hàng trăm ngọn núi và băng qua ngàn con suối để tìm lễ vật. Nhưng mãi mãi chẳng bao giờ có. Nàng kiệt sức chết ở nơi đây. Cái làng này có tượng chú gà trống có chín cựa, cao gần 5m đứng trên một bệ đá. Làng Con Gà nằm ở dưới chân núi Voi.

Vài ngày sau, tôi được nghe  câu chuyện tình tại Hồ Than Thở do một cô sinh viên Đại học Đà Lạt kể lại. Với chất thổ âm Nam bộ chính gốc, ấm ngọt ngữ điệu trầm tư, cô là một hướng dẫn viên bất đắc dĩ khi gặp tôi đang chụp ảnh quay cảnh hồ. Cô chỉ cho tôi một góc chụp rất đẹp rồi kể một cách ngọt ngào. Rằng, bên hồ nước xanh biếc, cặp tình nhân Hoàng Tùng và Mai Nương, thường chiều nào cũng đến đây tâm sự và tỏ bày tình yêu. Họ ăn thề và chờ ngày kết tóc xe tơ. Nhưng đến năm 1879, đất nước xảy ra binh đao. Vua Quang Trung kêu gọi thanh niên tòng quân ra Bắc đánh giặc Mãn Thanh. Hoàng Tùng đã nhất quyết đi theo tiếng gọi của non sông và hẹn Mai Nương ngày chiến thắng trở về sẽ thành vợ thành chồng. Thế rồi chàng lên đường.

Tại quê nhà, một hôm Mai Nương được báo tin Hoàng Tùng đã tử  trận, nên đã tuyệt vọng trầm mình xuống hồ xanh để quyết chết theo chàng. Nhưng ngờ đâu, một thời gian dài sau, Hoàng Tùng đã trở về sau những ngày đuổi được giặc ngoại xâm. Hoàng Tùng nghe kể lại chuyện thủy chung của Mai Nương nên trong lòng tràn đầy thương cảm và đau khổ tột cùng. Và, chàng cũng gieo mình xuống hồ xanh để tự vẫn theo người yêu.

Tôi nghe như đây là câu chuyện thật mà đã có người kể trước kia có một cặp tình nhân người kinh ở dưới xuôi lên lập nghiệp và đã chết ở Hồ Than Thở này. Tôi đem ý nghĩ của mình ra nói, thì đôi mắt long lanh của cô bé sinh viên kia còn nói thêm một mối tình có thật cũng xảy ra bên Hồ Than Thở. Chuyện kể, có một sinh viên trong Võ bị Đà Lạt, tên là Tâm đem lòng yêu thương cô giáo trẻ Lê Thị Thảo, người Đà Lạt. Sáng sáng Tâm thường ghé vào một ngôi nhà nhỏ cạnh Hồ Than Thở để gài lá thư tỏ tình dưới mái tranh. Chiều về, Thảo lại đến nhận thư và gửi thư hồi âm đúng chỗ hẹn. Hai người ngày một yêu nhau tha thiết và ăn thề đến ngày đầu bạc răng long.

Gia đình Tâm ở dưới Vĩnh Long hay tin đã ngăn cấm và tìm cách chia rẽ hai người. Rồi bất ngờ Tâm đi lính. Hai người vẫn quyết tâm lấy nhau. Nhưng một ngày kia cô giáo Lê Thị Thảo biết tin  người yêu tử trận. Thảo quá đau lòng, tìm ra chỗ vẫn hẹn hò trao gửi những bức thư tình yêu tha thiết ấy, rồi nhảy xuống Hồ Than Thở, để gửi trọn tiết trinh với người mình yêu.

Biết tâm nguyện của hai người, người dân đã đưa mộ Tâm về nằm cạnh mộ của Thảo, với ước muốn đôi tình nhân này vĩnh viễn bất tử cùng nhau bên đồi thông. Nhưng chỉ ít năm sau, gia đình nhà Tâm đã đưa mộ chàng về cải táng tại quê nhà Vĩnh Long, bỏ lại ngôi mộ của nàng côi cút lạnh lẽ trên đồi.


Đường phố Đà Lạt

Hiện nay, tại phần mộ cô giáo Lê Thị Thảo có ngôi miếu nhỏ đặt bài vị thờ và tấm bia ghi ngày mất của người con gái thủy chung này: 15/3/1956. Cô sinh viên Đà Lạt còn đọc cho tôi nghe những vần thơ được khắc trong ngôi miếu:

"Nước biếc non xanh dù biến đổiMối tình chung thủy Thảo trong TâmChiều chưa xuống mà nắng vàng đã vội tắt,Đêm chưa về cỏ đã đẫm sươngCả núi rừng ngấn lệ tiếc thươngCho mối tình ngang trái của
Đôi uyên ương không thành"
Thì ra vậy, hôm trước ông Tú cũng định hẹn tôi đi ra Hồ Than Thở, nhưng lại lỡ hẹn. Thảo nào ông bảo:

- Gần thôi mà, ông ạ! Ra rồi biết. Nhưng tôi xin đọc cho ông hai câu thơ này trước khi đi.

Yên lặng một lát rồi ông đọc thật chậm:

"Hồn thiêng em hãy đợi chờ
Mặt hồ than thở bây giờ là đây"
Mắt ông rơm rớm lệ rồi bước đi. Lúc này sương mù đã nổi lên đem những câu chuyện tình xưa và những câu chuyện tình nay vào trong cõi vô thường. Tôi thẫn thờ ra về với những ngọn đèn lung linh trên phố. Nhưng sương giăng kín mặt Hồ Xuân Hương làm tôi ngơ ngác đi như trong cõi mộng.

Ôi! Những số phận bi kịch của tình yêu đã nói lên tất cả. Đó là sự bất diệt của sự sống. Cái chết bao giờ cũng là một thử thách mãnh liệt nhất cho những cuộc tình. Cái chết đã khẳng định sự sống trọn vẹn cho tình yêu. Chung thủy, chung thủy, chung thủy... Tiếng lòng thiêng liêng cao quý mà tình yêu muôn đời cần có. Chung thủy là sự bền vững và là ngọn lửa rực sáng cho tình yêu. Cái chết ấy lại là mùa xuân cho tình yêu bất tử.

Không biết tôi nghĩ có đúng không. Nhưng tôi biết chắc là thành phố Đà Lạt không chỉ có hoa, có hồ, có suối thác, có núi non, rừng cây mà còn có những câu chuyện tình lãng mạn  có thật, hiển hiện như sự sống cần có. Và nếu không, Đà Lạt này đâu dễ trở thành Thành phố của bốn mùa hoa xuân
.


  Hoàng Vĩnh - cand.com

Không có nhận xét nào: