Thứ Tư, 27 tháng 3, 2013

Đà Lạt, nhớ...

Bài thơ "Đà Lạt một lần trăng" của nhà thơ Nguyễn Duy ám ảnh tôi. Thật lạ, trong bài không có một chữ nào viết về địa danh "Đà Lạt" mà đọc lên ta thấy rõ hồn cốt, địa linh của vùng đất ấy. Tất cả đều bảng lảng mờ sương chỉ có bếp lửa đun bằng củi "ngo" chẻ nhỏ và "siêu nước pha trà vừa ấp úng sôi" tạo ra những âm thanh mơ hồ thật xa vắng. Tôi nhớ Đà Lạt với kiểu "Mùi nhựa thông theo sợi khói đi vòng".
Bên hồ Xuân Hương. Ảnh: Võ Trang


Cảm giác lần đầu tiên khi tôi - người miền biển quen "ăn sóng nói gió" của dải đất miền Trung nắng lửa gió Lào đến đây bỗng như "mềm" lại. Một sự mềm mại, thân thiện uyển chuyển theo cái nhịp chậm rãi của thời gian. Đồng hồ như chạy chậm hơn, trái tim nhịp đập như chậm hơn và không gian nghiêng. Vâng, tất cả đều nghiêng. Những đồi thông nghiêng, những con đường nghiêng và hình như hồ nước xanh trong cũng hơi nghiêng nghiêng như một mảnh gương trời lấp lánh ánh bạc. Có lẽ đến đây ta mới hiểu thêm về hai chữ "thoai thoải" của một không gian Đà Lạt có gì vừa thầm kín, vừa khiêm nhường, vừa hoài cổ lại vừa tươi xanh sức sống. Một sức sống bền bỉ, chiu chắt, dâng hiến của thiên nhiên của muôn loài hoa. Hoa có thể mọc bất cứ ở nơi đâu và sắc màu lúc nào cũng tươi rói rực rỡ. Tôi gọi đó là "nắng hoa", là thứ mật ong tinh khiết của tình người để bù lại cho những ngày thiếu nắng trời. Hình như màu vàng là màu đắm đuối của hoa Đà Lạt. Chất thiền định nhân ái có cả trong sắc màu này của những tấm áo cà sa và đi giữa đồi thông "Thu hết mọi tiếng chuông trong một sắc áo vàng". Hoa như là nở cũng vì Đà Lạt. Và bao loài hoa đã thành vị thuốc thơm thảo như Atiso (Cái tên gợi cho tôi một nhịp trong Kinh Thánh hay Kinh nhà Phật). Hoa là vị thuốc còn là món ăn ẩm thực thanh lịch trong các nhà hàng Đà Lạt. Tôi rất thích các loài hoa dại ở đây. Nó có thể mọc lan man ven đường, chen giữa các kẽ nứt của bức tường rêu phong hoặc trên các bờ rào. Hoa mọc như một bản năng sống, một thứ thảo mộc kì diệu đã hút tinh chất gió sương của Đà Lạt để trả cho đời những nụ cười tươi tắn. Nếu hoa là một thứ đặc sản của sắc màu thì sương là đặc sản tạo ra cảm giác hay là ảo giác mỏng mảnh của tâm trạng. Đà Lạt, buồn - Vâng, có thể nhưng là nỗi buồn không cô quạnh bởi vòng tay của không gian Đà Lạt với những con đường vòng ôm ấp ta vào lòng. Ở vùng đất này như một hợp chủng quốc, trăm miền quê đến đây và xem Đà Lạt là quê hương thứ hai của mình. Rất nhiều giọng nói nhưng âm sắc bây giờ trong và mềm hơn. Người Đà Lạt tinh tế - Cái tinh tế của nếp sống của địa văn hoá bắt đầu từ hoa và sương chăng?


Đà Lạt là đất của nghệ thuật. Tôi là một người làm thơ nhưng rất thích nhiếp ảnh và mỹ thuật. Có lẽ thiên nhiên ở đây đã tạo ra bao bức tranh đẹp mà chỉ cần người hoạ sĩ thổi hồn mình vào và vĩnh cửu nó trên những tấm toan. Có chàng hoạ sĩ lãng tử suốt đời mê vẽ phố cổ. Nhờ có tài năng và sự say mê ông đã giữ lại được một Đà Lạt cổ kính ám ảnh của kiến trúc xưa dù chỉ còn trên tranh vẽ. Tôi có một cô bạn làm thơ nhưng rất ham mê vẽ tranh. Tôi gặp chị ở nhà sáng tác Đại Lải và tình cờ xem mấy bức tranh sơn dầu của chị đang vẽ dở. Một vẻ buồn trầm mặc với gam màu sẫm nhưng thỉnh thoảng loé lên những đốm sáng nhỏ màu tươi như là một hi vọng. Chị hay vẽ hoa và suối. Hình như có một con suối vô thanh chảy thao thiết trong hồn thơ của chị. Suối là nơi chị gửi gắm cái trong trẻo độ tin cậy, tin yêu cuộc sống nhưng suối lại bắt đầu cạn nguồn và tắc lại dù có muốn vượt ra ngoài biên giới khung tranh - chị bảo thế! Sau này tôi mới biết chị đã mang bạo bệnh mà những siêu thuốc nam "ấp úng" sôi trong căn phòng chị ở làm cho cả tháng Chạp năm ấy thành "Tháng Chạp chiết ra từ chiếc vòi ấm đất - Sương gió đi qua chị sao tẩm tháng ngày - Đêm ngai ngái vị mùi thuốc sắc". Hình như thành phố chật chội đã làm chị quá mệt mỏi và miền đất hứa đến với chị là Đà Lạt. Trong những tháng ngày ngắn ngủi của cuối cuộc đời mình tôi nghe nói chị đã vẽ rất nhiều tranh. Chị đã ra đi thanh thản nhưng tranh của chị vẫn còn ở lại. Và một Đà Lạt vẫn còn ở lại. Đó là những hồi tưởng "Ký ức xanh" mà chị để lại cho đời. Tôi nghĩ, đó cũng là hạnh phúc. Trong căn phòng viết bé nhỏ của tôi vẫn treo bức tranh sơn dầu chị tặng - Hoa lưu ly! Lưu ly đã thành biệt ly. Nhiều hôm mở cửa ánh sáng tràn ngập vào, bức tranh sống động thật lạ thường. Có một góc của Đà Lạt ở ngay bên mình để nhớ những người bạn văn trong đó. Người Đà Lạt mê thơ và thơ của người Đà Lạt cũng rất giàu nhịp điệu. Thiên nhiên đã ùa vào thơ thật tươi tắn và bình dị, hồn hậu, chân chất ít có những cầu kỳ khó hiểu. Hình như người Đà Lạt làm thơ để thoả mãn sự giải phóng nội tâm khát khao được chia sẻ. Thơ như một nhịp cầu để giao lưu thân thiện với cộng đồng. Thơ như một người bạn tri ân mà ở đó họ được sống lại với quá khứ tươi trẻ với những chiêm nghiệm sống hướng tới cái đẹp của cõi thiện giàu lòng trắc ẩn, bác ái.


Vũ khúc mùa xuân. Ảnh: MPK

Vũ khúc mùa xuân. Ảnh: MPK

Đà Lạt có những con người "dị nhân" trong sáng tạo nghệ thuật. Tôi biết một người phụ nữ đã dành cả đời mình cho một khối kiến trúc độc đáo. Sức mạnh nào ở chị, ở con người dịu dàng giàu nữ tính và tài hoa nhưng hết sức khiêm nhường này. Có lẽ do hơi thở từ trường địa linh văn hoá của Đà Lạt thổi vào tâm hồn chị cộng hưởng với cái gen của văn hoá truyền thống gia đình để cá thể tài năng của chị được phát tiết, thăng hoa đến đỉnh cao một cách rực rỡ và kỳ diệu nhất. Nếu như nữ kiến trúc sư khá hiện đại này quen sáng tạo những khối không gian lớn đồ sộ và tân kỳ thì có một nhiếp ảnh gia lại săn tìm những vẻ đẹp li ti, mỏng mảnh của những giọt nước - mắt - sương, của những nụ hoa, của những góc nhìn riêng. Anh tôn thờ thiên nhiên như một thứ tôn giáo đến kì lạ. Không cần phải điểm tô sắp đặt mà như lại là có một bàn tay vô hình nào đó sắp đặt. Chỉ với những bộ ảnh về sương, về hoa cũng cho ta thẩm thấu một Đà Lạt sống thật bản thể. Lại có một người đồng hương của tôi sống giữa Đà Lạt nhiều năm. Ông sống giữa xứ sở ngàn hoa mềm mại lại yêu đá đến lạ lùng, trong nhà ông là một bảo tàng đá. Ông có một bản đồ xếp những viên đá ở những vùng đất ông đã qua thành dải hình chữ S. Đá có gì ở đây mà ông say mê đến vậy. Hoá ra trong cái ẩn giấu dịu mềm khiêm nhường của Đà Lạt còn có cốt cách can trường của những con người trực tính chân thành không có gì giả tạo, khách sáo. Gặp đá ở đây tôi liên tưởng đến sự kết tụ của thời gian được sống lại với những gân đá phập phồng cuộn chảy âm thầm trong căn nhà có khu vườn ngập hoa và tiếng chim ríu rít. Tôi gặp lại một góc của quê hương miền Trung đất cằn và hiếu học ở đây.


Đà Lạt, nhớ. Vâng, những ngày cuối năm này tôi đã nhớ về vùng đất cao nguyên phóng khoáng và dào dạt với nắng gió dã quỳ vàng. Và tôi ước, cuối đời mình được về sống ở đây khi con ngựa bất kham trong tôi đã mệt mỏi thì: "Tiếng móng ngựa gõ giòn dốc vắng - Nghe mơ hồ một chiếc lá thông rơi" (thơ Nguyễn Duy) sẽ níu tôi ở lại.
Tuỳ bút: NGUYỄN NGỌC PHÚ
(Theo baolamdong.vn)

Không có nhận xét nào: