Thứ Hai, 22 tháng 9, 2014

"Nở" rộng vòng xoang

Ngọn lửa thiêng đại ngàn hừng hực cháy. Buôn làng dưới chân núi LangBiang vọng tiếng chiêng cồng. Lửa rừng và hồn chiêng quấn quyện những đôi chân trần của những chàng trai, cô gái miền sơn cước trong hương rượu cần mênh mang, chếnh choáng. Vòng xoang “nở” rộng, nhịp chiêng ngân dài, chiêng chao giữa đại ngàn Tây Nguyên mừng mùa xuân mới.

Đêm đại ngàn Tây Nguyên

Đêm đại ngàn Tây Nguyên

1. Tiếng tù và của già làng Krajan Plin (buôn Đăng Gia, TT Lạc Dương) trầm hùng dội vào vách núi, báo với Yàng, với thần linh, buôn làng… về lễ hội mùa xuân. Ánh lửa bập bùng nhòa khói lam chiều giữa đại ngàn yên ả. Tiếng cồng chiêng vang lên. Già làng Krajan Plin ngửa mặt lên trời và mở đầu ngày hội bằng một câu tiếng dân tộc bản địa: Ơ Yàng!...
Sống trong khung cảnh huyền bí của núi rừng, người Lạch luôn suy nghĩ, bên cạnh con người là một lực lượng siêu nhiên tồn tại đó là Yàng (thần) và Chạ (ma quỷ). Đấng cao nhất là Yàng Ndu (thần sáng tạo ra muôn loài), rồi đến thần núi LangBiang, thần hộ mệnh của buôn làng… Họ tin rằng, mọi sự may rủi trong đời đều do Yàng và Chạ sắp đặt. Do vậy, mọi sinh hoạt bao giờ cũng phải tổ chức nghi lễ để cầu thần linh bảo vệ, giúp đỡ mình. “Văn hóa người Lạch từ xưa đến nay vẫn được lưu giữ như vật thiêng của bon, được truyền miệng qua các lễ hội từ các già làng suốt đêm bên bếp lửa rừng và những ché rượu cần không bao giờ cạn…”. - Tiếng già làng vẫn vang vọng giới thiệu về văn hóa Lạch.
Không gian cổ tích, nguyên sơ. Những chàng Lang và nàng Biang của buôn Lạch đang dặt dìu quý khách vào vòng xoang. Những cung bậc tình cảm, những giai điệu Tây Nguyên, những câu yal yau, tam pơt bản địa hừng hực tuôn trào trong men rừng ngất ngây. Bất chợt, già làng Krajan Plin vỗ vai tôi, lễ đón năm mới (lir bong) là lễ hội quan trọng của bon đấy. “Mà này, người Lạch biết giữ lời hứa và hiếu khách lắm. “Jơi gloh cô tờm, hờm cô năc” (Chủ đói để cho khách no) mà”. - K’Plin nói. Tôi chợt nhớ đến câu nói bất hủ của học giả nổi tiếng người Pháp Đam Bo (tức Jacques Dournes): “Nếu phải hiểu để mà có thể yêu, thì lại phải yêu để mà có thể hiểu” - khi ông viết về miền đất huyền ảo này. 
Mùa này, người Tây Nguyên gọi là mùa “ăn năm, uống tháng”, mùa con người sống “cạn” với mình, với nhau, với đại ngàn độ lượng và với những khát vọng nguyên thủy của mình. Cái “vòng xoang mùa xuân”, vòng xoang không phân biệt người Kinh, người Thượng ví von của tôi, được già làng K’Plin giải nghĩa gần: Không biết nó hình thành từ định luật nào, nhưng là từ số không và về với số không. Cái vòng tròn đó nằm trong cái “khuôn” của buôn làng, của Yàng.
Nếu có thêm các dân tộc anh em hòa cùng nhịp xoang? - Tôi đặt vấn đề. Ồ, người Lạch có câu: Xa vời vợi tưởng đâu người ta/ Nghe đâu đây té ra người nhà. - K’Plin nói. Người Tây Nguyên là thế, chất phác đến nguyên sơ, bạc màu đất đỏ. 
Và, phía xa dưới chân núi ấy, những người anh em Tày, Mông, Nùng, Thái… cùng với người Churu, Châu Mạ, Cơ Ho bản địa nam Tây Nguyên nhịp chiêng, tiếng khèn đã quấn quyện. Vòng xoang mùa xuân đã rộng thêm…
2. Chiều Nam Tây Nguyên trôi dịu nhẹ. Những cô gái đang thung thăng, lúng liếng về đồng. Cái nắng lạnh ngọt lành vẫn đang ở phía nón em nghiêng. Người ta bảo, đến miền đại ngàn này, chỉ nhìn các cô gái dậy thì có thể biết mùa lễ hội đã đến... 
Không gian vỡ oà trong nhịp chiêng ngân, trong nhịp xoang khát cháy và dặt dìu trong điệu múa xòe. Bất chợt, từ phía thung sâu, tiếng rơkel, điệu sáo, tíng tẩu… tấu khúc tăm pớt mùa xuân đam mê, bất tận. “Ngất ngây men rượu cần/ Chao nghiêng khúc tăm pớt/ Rạo rực bao chàng trai/ Mơ màng bao cô gái/ Ngày vui mở hội buôn làng…”. 
Ở đó, thôn Thái - tên gọi một thời của “những cánh chim thiên di” miền Tây Bắc vào Đức Trọng, Lâm Đồng quần tụ mưu sinh, tôi đã gặp “báu vật sống” văn hóa của người Thái, cụ Lò Thị Lanh (81 tuổi). Năm 1954, cụ cùng hơn hai trăm gia đình khác đã vào đây, mang theo cả văn hóa, cả khát vọng đổi thay trên vùng quê mới và nam Tây Nguyên đã nới rộng vòng xoang. 
Cụ Lanh kể, ngày còn ở quê (Sơn La), vào mùa hoa ban nở là hội cầu mùa, cầu phúc (xên bản, xên mường) của người Thái bắt đầu. Trong này là mùa dã quỳ đã cúi đầu bên các sườn đồi… Đó là dịp để họ gửi gắm những ước vọng về cuộc sống bình yên, no ấm. Bất chợt, cụ cất tiếng ca len vào đêm thanh nghiêng ngả: Bữa nay hung xiềng/ Keng pay noong xiềng/ Xiềng hung xóong xóong / Xóong ken lao (trăng sáng cho mình múa xòe, đốt lửa chơi).
Đêm đã sâu hun hút, cụ vỗ vai tôi: “Đáy kịn sớ nha lưu thú. Đáy dú nha lúm công lưm khun… Nha vang cắn” (Được ăn đừng quên đũa, được ở đừng quên ơn… Phải thương yêu nhau). Người Thái và người Tây Nguyên đều thế mà… 

Vòng xoang mùa hội

Vòng xoang mùa hội
3. Trên những nẻo đường Tây Nguyên, tôi cũng đã gặp những người “bạn núi” quê ở nơi đầu nguồn dòng sông Thao, sông Vàng, Nậm Mộ… đi “tìm mặt trời và tìm lời ru ngàn đời”, mà những tấm chân tình của họ không thể nào quên. Người ở rừng, dù Tây Nguyên hay phía Bắc, đều phóng khoáng và bay bổng. Chính sự đồng điệu đó đã tạo nên vòng xoang tâm thức, bí ẩn mà gần gũi, vững bền trên miền rừng xanh, núi đỏ.
Mùa xuân gõ nhịp trên những buôn làng. Trở về với làng Nùng (thôn Tiên Phong, Lâm Hà, Lâm Đồng), nơi bà con ở Quảng Hòa, Cao Bằng di cư vào đây lập nghiệp, sinh sống từ năm 1985. Trưởng ban Mặt trận thôn Đàm Hải Nhì ví von: Giờ ở đây “hoa nở bốn mùa”. Đó cũng là tên bài then Tày đã làm nên tên tuổi của anh ở giải “Tiếng hát đồng quê huyện Lâm Hà năm 2013”. “Hiện, thôn có hơn 100 nhân khẩu là người Nùng, Tày, Cơ Ho cùng vui, cùng sẻ chia cuộc sống”. - Đàm Hải Nhì thổ lộ.
Hàng năm, vào mùa hội làng, anh em, bà con đều quần tụ, cùng hát tăm pơt, sli, lượn, pựt lằn, dá hai… Không khăn mỏ quạ, áo chàm, Hải Nhì gảy đàn tính, tôi và K’Bríu ngồi gõ nhịp. Ngoài trời, mưa xuân phảng phất bay…
Mưa không kéo dài như câu chuyện các dân tộc anh em Mông, Tày, Nùng, Dao… “tái sinh” dưới chân núi Chúa (Bảo Lâm, Lâm Đồng). Hơn 20 năm họ cùng nhau chia ngọt, sẻ bùi ở vùng đất mới. Núi liền núi, màu xanh của những nương chè, cà phê trải dài như tiếng khèn người Tây Bắc. Cuộc “thiên di” đã hồi sinh… 
Thủ lĩnh làng Mông Thào Hùng Khải nói, mình biết ở Tây Nguyên, rừng núi mênh mông là vậy nhưng đều “có chủ” rành mạch. Rừng núi đã được Yàng giao cho từng làng từ thưở xa xưa. Bởi thế, người Mông không thể nào quên ân tình của đồng bào Cơ Ho bản địa, nhất là các bác, các anh như K’Toàn, K’Mạnh, K’Gíp… đã vận động bà con nhường bớt phần đất đang canh tác cho người Mông lập bản mới.
Ngọn gió xuân khẽ đong đưa những cành cà phê hoa trắng bên đường. Tự đâu đó rất xa bật lên điệu dá hai giữa không gian đầy đặn của bản làng: Bác Hồ dặn dá hai / Đại đoàn kết dá hai/ Thành công/ Đại thành công dá hai…
Ngọn lửa cao nguyên đã rực hồng. Lửa sáng đến đâu, âm thanh của chiêng, của khèn, tíng tẩu… lan tỏa đến đó. Những thanh âm đồng điệu của hơn ba mươi dân tộc anh em hòa nhịp giữa đại ngàn Tây Nguyên, thú rừng quên ăn, chim Tia Chôm, chim Phí vỗ cánh bay về phía cộng đồng hòa cảm. 
Mặc đêm cứ bất tận… Lửa bập bùng, chiêng ngân xa, men rượu cần nồng nàn và vòng xoang mùa xuân thêm dài, thêm rộng…

MAI VĂN BẢO (Lâm Đồng Online)

Không có nhận xét nào: