Thứ Tư, 27 tháng 3, 2013

Đà Lạt - Tình người quyến rũ

Tôi không phải đến Đà Lạt lần đầu. Cũng giống như nhiều lần trước, lần này khi rời Đà Lạt, tôi lại thầm hẹn với lòng mình: Sẽ quay trở lại nơi đây!
Thành phố lúc lên đèn
Thành phố lúc lên đèn
* Lời cảm ơn dịu ngọt
Đã có hàng ngàn, hàng vạn lời ngợi ca mảnh đất “bồng lai tiên cảnh” này. Nào hoa thơm cỏ lạ, nào biệt thự cổ đắm mình trong sương sớm, nào Thung lũng Tình Yêu, hồ Than Thở gắn với bao huyền thoại; nào trà atiso, mứt hồng, dâu tây - những đồ ăn thức uống làm đẹp da phụ nữ… Nhưng điều làm tôi lưu luyến và luôn muốn quay lại nơi này lại ở những con người hết sức bình dị: Anh lái taxi, cô bé bán hàng rong, một câu hát, một nụ cười.

Máy bay hạ cánh xuống sân bay Liên Khương, người Đà Lạt đầu tiên tôi tiếp xúc là anh lái Taxi. Vẫy xe rồi, tôi mới chợt nhận ra đây không phải hãng Taxi Mai Linh mình vẫn đi mà là hãng Taxi Thắng Lợi. Trên thân xe ghi rõ: Liên Khương - Đà Lạt: 200 nghìn đồng/lượt.

- Chị cứ để đồ đó, em xách; - Dạ, thứ này chị mang theo người hay để trong thùng ạ?...

Mọi người đã yên vị trên xe, cậu “xế” tên Dũng giơ tay chào đồng nghiệp:

- Em đón khách rồi, em đi trước nghe các anh. Trên đường đi, khi chúng tôi hỏi, cậu nói về lịch sử Đà Lạt, giới thiệu nhà ma, biệt thự cổ, đồi thông hai mộ… cứ vanh vách. Tôi đùa:

- Chắc cậu là người của bên Công ty Du lịch?

- Dạ không, chúng em chỉ được tập huấn thôi chị à. Cậu thật thà giải thích.

Có 3 điều đặc biệt ở thành phố này tôi nhận ra là: không có đèn đỏ, không có xích lô và không có điều hòa nhiệt độ. Việc di chuyển của khách chủ yếu bằng Taxi. Hiện thành phố Đà Lạt có 3 hãng Taxi đang hoạt động: Mai Linh lâu đời, chuyên nghiệp nhất với hệ thống xe khá sang; Thắng Lợi và Đà Lạt Taxi xe không sang bằng nhưng giá rẻ hơn. Đi của cả 3 hãng trên, tôi thấy họ không hề có ý định tranh giành khách của nhau. Có lần chúng tôi đi từ cáp treo Thiền viện Trúc Lâm xuống, tôi vẫy một chiếc Taxi 4 chỗ vừa trả khách. Tài xế chạy đến chỗ tôi bảo:

- Chị vui lòng đi xe này giùm em, vì anh ấy đã đợi ở đây từ trước rồi.

Nói rồi cậu mở cửa một chiếc Taxi của hãng khác cho chúng tôi lên.

Gia đình tôi hợp nhau ở chỗ thích ăn và chơi ngẫu hứng. Chúng tôi cứ tà tà đi trên phố, đói bụng, thấy chỗ nào “hợp mắt” là vào ăn. Vì thế, mấy ngày ở đây, chúng tôi “qua bữa” bằng nhiều món: Cháo vịt, ốc mỡ, mì quảng, hủ tiếu, bánh canh, ngô luộc, tôm hấp bia, gà tiềm, chả giò nướng… Dù ngồi góc vỉa hè hay vào nhà hàng sang trọng, thực khách đều được tôn trọng: Bàn ăn không vết bẩn, đũa để trong ống có nắp đậy, giá các món ăn ghi rõ, thái độ mềm mỏng và nụ cười luôn nở trên môi. Điều đặc biệt là, đâu đâu chúng tôi cũng nhận được lời cảm ơn: Xuống ô tô, tài xế cảm ơn; ăn xong đứng dậy, người bán hàng cảm ơn; trả phòng khách sạn, lễ tân cảm ơn… Những lời cảm ơn dịu ngọt và chân thành khiến lòng người lâng lâng, thanh thản. Tôi càng thấm lời dạy của tiền nhân: Lời nói chẳng mất tiền mua, lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau.

* Những con người lãng mạn
Một trong những địa chỉ nhiều người biết đến ở Đà Lạt là quán cà phê Diễm Xưa (20A đường Khe Sanh). Chỉ nghe tên quán đã biết ở đây “đãi khách” nhạc Trịnh Công Sơn.



Bên hồ. Ảnh: Võ Trang

Con đường lát đá quanh co dẫn đến một căn hầm cổ mái chóp treo ảnh, tranh và nhiều di vật của Trịnh Công Sơn. Bước vào phòng, tôi được đắm ngay vào không khí nhạc Trịnh với ánh sáng huyền bí của những ngọn nến, tiếng ghi-ta bập bùng. Dù hàng trăm người trong phòng nhưng không hề có tiếng ồn ào. Trái tim mọi người thổn thức, sâu lắng, hòa âm đến tận cùng những điều Trịnh Công Sơn gửi gắm qua âm nhạc. Chỉ có 4 diễn viên, mỗi người đảm nhiệm nhiều vai: Dẫn chương trình, nhạc công chơi 3-4 loại nhạc cụ, ca sĩ, họ làm nên một đêm nhạc đầy đặn vài chục bài và điều dễ nhận thấy nhất: Họ là người yêu, hiểu nhạc Trịnh thực sự chứ không phải mở quán chỉ vì sinh kế.
Sẽ là thiếu nếu nói đến Đà Lạt mà không nói đến những con người mê đắm Đà Lạt. Một trong những người bộc lộ tình yêu mãnh liệt ấy là họa sĩ Vi Quốc Hiệp -  Người Thái Nguyên định cư ở Đà Lạt. Nhà họa sĩ ở Lô 72, đường Yersin, phường 9 đầy ắp tranh vẽ biệt thự cổ - nét độc đáo ở đây. 600 bức tranh phong cảnh Đà Lạt là con số không nhỏ nói về tình yêu thiết tha này… Sẽ còn rất nhiều điều để nói về Đà Lạt. Nhưng tôi muốn mọi người đến nơi này để thấy, cảm nhận. Và không hiểu sao, trong thẳm sâu lòng mình tôi lo lắng mơ hồ: Liệu chục năm, vài chục năm nữa, thành phố du lịch này có còn những con người mộng mơ, còn nét văn hóa dịu dàng, dịu ngọt này không?
Khắc Thiện
(Báo Lâm Đồng)

Không có nhận xét nào: