Thứ Hai, 25 tháng 2, 2013

“Đám cưới vàng” giữa bon Lạch

Mặt trời thấp thoáng sau đỉnh LangBiang huyền thoại. Chiều vàng, cả bon (buôn) người Lạch ở xã Lát – Lâm Đồng rộn ràng hẵn lên, từ đầu đến cuối buôn già trẻ, gái trai… đang háo hức chờ tiếng tù và của già làng báo với Yàng về lễ kỷ niệm 20 năm ngày cưới đôi uyên ương của núi rừng LangBiang. Mặt thằng K’Brem “ngộ” lắm, hắn bảo: Sara bắt chồng lâu rồi mà sao còn cưới chi nữa?! Hắn còn ngây thơ như con nai rừng, hắn đâu biết đây là một “đám cưới vàng” và còn hơn vàng, bởi cái “văn hóa cưới” này hiếm thấy ở bon nó lắm!
Gọi bạn



       Khi hoa Phượng tím - loài hoa đặc trưng của Phố núi Lâm Viên đã nở rộ đến nao lòng, mùa màng đã thu hoạch xong, mùa lễ hội cũng đã đến… cả bon Lạch rộn ràng hơn dưới chân núi LangBiang huyền thoại. Hương rượu cần ngào ngạt, ngất ngây. Già làng Bơ Pang Ting không vận bộ xà rông truyền thống như mọi khi có hội bon. “Hôm nay thằng K’Blin và con Sara nó tạ lễ với Yàng, với buôn làng… nghe họ nói là đám cưới đồng, vàng gì đó, mình mang cái Vét (veston) thôi. Mình đi ăn tiệc mà!”. Thế từ trước đến nay bon mình có nhiều nhà tạ lễ như thế không? - Tôi hỏi. “Hiếm, hiếm… mà chưa có đâu! Ngày trước đồng bào mình còn nghèo lắm, lo làm ăn cho no cái bụng thôi. Bây giờ khá rồi, phải làm cho nó sáng cái đầu chớ!”.

Tiếng tù và của già làng Bơ Pang Ting trầm hùng dội vào vách núi LangBiang, báo với Yàng, với thần linh, buôn làng… về lễ tạ của vợ chồng K’Blin – Sara! Khách mời đã xôm tụ quanh cây nêu ở giữa sân nhà. Anh lửa bập bùng nhòa khói lam chiều giữa rừng chiều yên ả. Tiếng cồng chiêng vang lên, trẻ con chưa đủ tuổi dự lễ bây giờ mới kéo đến, những ánh mắt ngây thơ đến lạ kỳ cứ nhìn đau đáu về phía đôi uyên ương của núi rừng. Già làng Bơ Pang Ting ngữa mặt lên trời và mở đầu buổi lễ bằng một câu tiếng dân tộc bản địa, có lẽ xin phép các đấng thiêng liêng. Sống trong khung cảnh huyền bí của núi rừng, người Lạch luôn suy nghĩ, bên cạnh con người là một lực lượng siêu nhiên tồn tại đó là Yàng (thần) và Chạ (ma quỷ). Đấng cao nhất là Ndu (thần sáng tạo ra muôn loài), rồi đến thần núi LangBiang, thần hộ mệnh của buôn làng… Họ tin rằng, mọi sự may rủi trong đời đều do Yàng và Chạ sắp đặt. Do vậy, mọi sinh hoạt bao giờ cũng phải tổ chức nghi lễ để cầu thần linh bảo vệ, giúp đỡ mình. “Bon Lạt (Lạch) là những người con lâu đời và là chủ nhân của núi rừng LangBiang. Đứng đầu bon là chủ bon (Kuang bon) - một người có uy tín, có tài. Văn hóa người Lạch từ xưa đến nay vẫn được lưu giữ như vật thiêng của bon, được truyền miệng qua các lễ hội từ các già làng suốt đêm bên những ché rượu cần và bếp lửa rừng. Người Lạch sống theo chế độ mẫu hệ nên vẫn giữ tục bắt chồng…” – Tiếng già làng vẫn vang vọng như tiếng chiêng năm, chiêng sáu giới thiệu văn hóa Lạch cho quý khách.
K’Blin và Sara bước đến trước cây nêu chào mời quý khách và bà con buôn làng. Đôi “vợ chồng vàng” đã gắn bó với sự thăng trầm của bon Lạch này trên 40 năm. Theo bước chân huyền thoại của nàng Biang, Sara giờ đây đã có một người chồng nàng “ưng cái bụng” lắm. Vợ chồng Sara quỳ xuống bên ché rượu cần như để thề nguyện với trời đất, thần linh kết duyên cầm sắt mãi mãi, vững bền như “biểu tượng” ngọn LangBiang ghi mối tình thủy chung Lang – Biang! Tiếng cồng, tiếng chiêng, tiếng của những khèn K’muốt, khèn ống… hòa nhau quyện vào thanh âm của núi rừng như chính tâm hồn đôi uyên ương của núi. Hương rượu cần, men tình ngất ngây. “Vít cong cần đi anh em ơi, để chúc mừng hạnh phúc vàng!” – Tiếng Cil Jắc (trưởng một đội cồng chiêng của bon) sắc ngọt thả âm ba vào núi. Tôi hỏi vội Sara: Ngày này 20 năm trước thế nào? – “Ngày đó cưới nhiều trâu, nhiều heo lắm. K’Blin có “giá” hạng nhất của buôn mà! Ngày đó chỉ có bà con trong buôn thôi, rượu cần – thịt nướng thâu đêm”.  Có tốn nhiều lễ vật không? – “Nhiều hơn đám cưới bây giờ nhiều. Ngày đó nhà không có trâu, chiêng, ché… là dễ ế chồng lắm. Bây giờ đổi mới rồi, lễ cưới tùy nghi mà phải văn hóa - Nhà nước nói rồi mà!”. Sara trả lời tôi rồi bẻn lẻn như nàng dâu mới đi châm thêm nước suối vào ché rượu cần, nâng cần mời quý khách…
Thiếu nữ Cơ Ho
Không gian cổ tích, nguyên sơ. Những chàng Lang và nàng Biang của buôn Lạch trong trang phục truyền thống đang dặt dìu quý khách vào vòng xoang. Bên kia bếp lửa, vợ chồng K’Blin – Sara đang cùng bà con, bè bạn ôn lại những kỷ niệm đã qua sau 20 năm chung sống giữa vòng tay buôn làng. Những cung bậc tình cảm, những giai điệu Tây nguyên, những câu gian dao bản địa hừng hực tuôn trào. “Say đi anh, đêm trăng thanh vẫn tỏ lối về…”, “vít cho chặt can nào ta cùng say…” … những câu ca cất lên bên những ché rượu cần không bao giờ cạn. Tôi như bị văn hóa vùng đất Lâm Viên mê hoặc. K’Blin vỗ vai tôi: “Mời nhà báo vít một hơi!” – “Là người bạn của bon thôi” - Tôi nói. Đây là lễ bắt buộc của buôn? – “Ồ không, tùy theo kinh tế mỗi nhà, tạ ơn thần linh, buôn làng cưu mang mà. Bên Tây họ gọi là đám cưới đồng, vàng gì đó! ” - K’Blin nói. Ông K’Meng (bố K’Blin) và ông chú K’Tam giải thích: “Không đồng, vàng chi, nó chỉ làm lễ tạ buôn làng thôi mà!” 
Đỉnh LangBiang đang bồng bềnh trôi trong sương khuya dưới ánh trăng hạ tuần. Tôi cũng đã ngất ngây trong hương rừng, hương rượu cần và nét văn hóa độc đáo của người Lạch - chủ nhân lâu đời của cao nguyên LangBiang. Không thể cạn ché… tôi lâng lâng nghĩ về câu nói của chú và bố K’Blin: “Không đồng, vàng chi…”, nhưng đó là kim cương trong văn hóa, trong đời sống ngày càng khởi sắc của đồng bào dân tộc thiểu số Tây Nguyên.
Ký sự của Mai Văn Bảo 
Đà Lạt, mùa hoa phượng tím 2003

Không có nhận xét nào: